Liên lạc tác giả:
BÍCH XUÂN
Paris, France
|
|
|
Trời xuân năm nay, hết cơn lạnh rồi mưa, hết mưa rồi tuyết đến mưa…Mưa xuân dầm dề đường phố, bảy giờ tối đã vắng hoe. Ngày nào có nắng là người ta vội ra ngoài để tìm chút nắng mùa xuân, luôn tiện vào chợ mua sắm cành đào, nhành mai, về chưng trong nhà cho có không khí trong ba ngày tết nơi xứ người. Ai xao lãng đến đâu, cũng không quên lau dọn, trang hoàng lại nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, và bánh tét, bánh chưng, trái cây tươi đầy trên bàn thờ tổ tiên. Một hình ảnh thân quen trong ngày tết của gia đình để tưởng nhớ đến ông bà.
Khu phố quận 13 Paris
Trước tết một tuần, để tiễn năm cũ, đón mừng năm mới, Văn Phòng Liên Đới Xã Hội người Việt Paris, đã tổ chức văn nghệ mừng Xuân Canh Dần. Sau tết, có đến chục Hội đoàn làm văn nghệ mừng Xuân kéo dài cho đến cuối tháng hai. Ai hội nào thì kéo nhau đi hội đó, tuần này kế tiếp tuần khác, nhiều nhất là các hội thiện giúp trẻ mồ côi, các em khuyết tật ở VN…Nhà hàng được dịp tiền vô như nước, có nhà hàng nhân dịp tết tăng gía: dĩa bánh cuốn, bánh bèo, phở, bún Huế tròn chẳn 10 euro cho tiện việc sổ sách. Đồng euro làm bà con than thở, lương mới lãnh ra đã bay cái vù….
Không khí trong mùa tết ở khu Á châu, năm nào cũng như năm nấy, vẫn lồng đèn đỏ treo lủng lẳng trước cửa tiệm, rồi múa lân, đốt pháo. Tiệm Việt cũng đầy đủ những mặt hàng tết từ VN đem sang, nhất là các mặc hàng ăn liền, đông lạnh, như canh chua tôm, cá bông lau kho tộ, tôm rim mặn, ếch xào ớt, lẫu lương, bánh xèo, bánh bèo, trái cây tươi…Người lớn tuổi không quen xử dụng Internet thì mua món ăn đậm đà của quê hương, số người thường theo dõi thông tin trên các báo điện tử ở VN không dám mua, sợ những món nấu sẵn cho vào bao không đủ tiêu chuẩn hợp vệ sinh, ngay cả trái cây tươi cũng ngại không dám ăn.
Tết ở quê nhà thiệp chúc tết bán ra vô số kể. Thiệp tết cũng từ Việt Nam « bay » sang Pháp để đồng hương có cơ hội chúc tết với nhau. Những cánh thiệp màu đỏ, mai vàng làm nổi bật một góc tiệm, nhưng ít ai đến gian hàng thiệp chúc tết. Khách chỉ liếc mắt nhìn ngang qua rồi đi luôn. Những nhành mai, cành đào, cây niêu tràng pháo bánh chưng xanh, ông đồ vẽ liễng hoa, chẳng được chào đón như cành hoa đào, hoa mai bằng nhựa. Thời đại bây giờ đầy đủ tiện nghi, muốn chúc ai, vào chọn hình trên Internet, gởi thiệp qua bằng e mail nên khách nhìn tấm tiệp tết rất hững hờ.
Băng rôn Tết trong Parking của tiệm Việt
« Chúc mừng năm mới » câu này, dân Á châu Việt, Miên, Lào chúc nhau mỗi khi gặp nhau cho đến cuối tháng tư. Tháng tư là tết của người Miên, Lào nên dân Á châu vui được ba cái Tết : tết tây, tết Việt, tết Lào. Dân Tây cũng được hưởng « ké » Tây, đầm không còn xa lạ gì về những phong tục, tạp quán, văn hoá của người Á châu nữa. Mùa tết, thương xá Á châu tấp nập, nhưng ngày thường thì vắng khách, ngay cả các siêu thị của Tây cũng vắng, vì người ta bận đi làm trong tuần, cộng thêm thời buổi khó khăn, nên nhìn chung chung buôn bán ở đâu cũng vậy.
Khách phương xa đến khu buôn bán của ngưới Á châu vào những ngày cuối năm, tấp nập người, xe qua lại, cảnh tình cũng có « hồn » của ngày sắp tết, trên tay ai cũng có nhành mai hoặc nhành đào hồng tươi thắm, nhuộn nhịp nhưng không ồn ào, không khí tết tha phương êm đềm quá ! Khách phương xa sẽ cảm thấy rất gần gũi với những cái tên rất Việt trong thành phố Paris như : Phở Mùi, quán Sông Hương, quán cây ớt, cây tre, quán Ngon, quán Sài Gòn…Thứ bảy, chủ nhật khu Á châu này rất nhuộn nhịp. Đây cũng là nơi người Á châu từ các nơi tụ đến, muốn gì cũng có, một nơi có thể gặp lại những bạn bè cũ. Khách cũng sẽ ngạc nhiên, trước cửa thương xá có những người Á châu đứng bán hàng rong. Hàng bán chui bên vỉa hè như là dĩa dvd, cd, nữ trang giả, các thứ bánh : bánh bèo, bánh cúc, bánh ram…Những người bán chui, công khai bán ngay bên cạch các siêu thị lớn chung quanh. Hàng được để trong bao nylon, trên một cái thùng lớn, thấy cảnh sát họ túm lấy chạy cho dễ. Người viết đến« gian hàng »của một chị bán đủ các loại bánh: bánh cuốn, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ram, bánh da lợn, xôi dừa, chè đậu…Mua bánh « chui » này gía bán còn mắc hơn các tiệm bánh gần đó, vì khách không muốn vào tiệm đứng sắp hàng.
Gian hàng Tết của cộng đồng người Việt tổ chức
Trong số người bán hàng chui, có một chị người Việt, cặp mắt lanh lẹ, lúc nào cũng sẵn sàng « chiến đấu » với những gì chung quanh. Khách không muốn mua, chị nói một hồi khách cũng chịu. Người viết thấy chị có số khách hàng đi đường rất đông, dừng lại mua bánh của chị cũng nhiều. Có khách mua 40 euro, khách mua bánh ít nhất là 10 euro. Tôi cũng mua bánh của chị hết 20 euro, vừa hỏi mua bánh là chị bỏ vào xách đủ các loại bánh rồi tính tiền. Mua bánh là cái cớ để hỏi chuyện, nên thấy vắng khách tôi hỏi ngay :
- Ủa sao không thấy chị bán bánh tét, bánh chưng…
- Có, tuần sau mới bán bánh chưng tết, chị ra mua. Bánh tui bán toàn là thứ ngon !
- Chị làm hả ?
- Không, bánh chưng, bánh tét lấy của họ về bán lại. Các thứ bánh này thì vợ chồng và mấy đứa con tôi làm. Tui có 4 con, đứa nhỏ nhất 9 tuổi.
- Chị giỏi quá, nói chuyện có duyên, ai không muốn mua cũng phải mua.
- Còn khuya, bánh ngon, họ mới mua, bánh dỡ ai thèm mua. Bánh tui bán ngon nổi tiếng mà chị. À mà chị ở đâu, tui bán ở đây hơn mười năm rồi không thấy chị ?
- Tôi ở gần đây, tôi thấy chị mà…Chị bán đây có khi nào bị bắt lính không ?
- Thỉnh thoảng cũng bị bắt, nhưng chỉ trả tiền phạt thôi. Bây giờ có nhỏ em đứng bán, có gì em nó xách dùm, nếu không mỗi lần bắt bị phạt 172 euro, mà còn bị mất hết bánh.
Chị nói có hơn mười năm chị bán bánh ở đây. Bán từ 10 giờ sáng, đến 5 giờ chiều, (kể cả ngày có mưa), một tuần chỉ nghỉ ngày thứ hai, vì thứ hai các siêu thị lớn ở đây đóng cửa nên ít khách. Mỗi tháng, nếu trời không mưa, trừ hết chi phí chị bỏ túi được hơn ba ngàn euro.
Hàng bánh trước cửa thương xá quận 13 Paris
Xong câu chuyện với chị bán bánh, tôi đến gian hàng người đàn ông ; ông này chỉ chuyên bán hai thứ bánh : Bánh da lợn và bánh bò. Thấy tôi đến, ông bán bánh mời với giọng Việt lơ lớ, nhưng dùng chữ rất chuẩn: « Mua đi cô, bánh da lợn tui nấu bằng lá dứa, bên trong bằng nhân đậu xanh, không phải bánh pha màu đâu. Bánh bò nướng, chứ không phải hấp, 3 cái 5 đồng, mời cô ăn thử, bánh da lợn tui ngon nhất ở Paris ! » Nghe ông mời, tôi mua liền hai cái bánh bò. Ông cũng có nhiều khách hàng người Tầu, nhưng ông nói khách hàng nhiều nhất của ông mới chính là khách Việt.
Ông bán bánh là người Tàu, sinh ở Chợ Lớn VN, năm nay 69 tuổi, ông tự làm bánh để bán. Bánh ông cũng bán mắc hơn trong các tiệm. Trước kia ông giao bánh cho mấy tiệm bánh ở đây, bánh bán không hết họ trả lại, bánh bán được phải chờ 15 ngày sau mới lấy tiền, ông không thèm bỏ bánh cho tiệm, nên bán bánh chui ở đây từ năm 1999. Tôi hỏi đứng bán ở đây, ông bị lính bắt chưa ? Ông nói : « Bị bắt dài dài, mỗi khi thấy lính chạy không kịp, những người trẻ thoắt cái biến đâu mất, còn tôi bị lính túm được, bị nhốt một buổi mà còn phải đóng tiền phạt 172 euro, bánh họ đem đổ hết. Nhưng riết rồi cảnh sát cũng không phạt tiền, mà cũng chẳng lấy bánh tui nữa». Tôi hỏi tại sao ? Ông bán bánh nói tiếp : « Tui già rồi, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ để hưởng tiền già, nhưng ở nhà một mình buồn quá, làm bánh bán cho vui ».
Tôi hỏi sao ông không bán nhiều loại bánh khác nhau, chỉ bán có hai thứ bánh thôi. Ông nhăn mặt: « Cô ơi, con nhỏ bán bánh đó dữ lắm, nó không cho ai bán ở đây. Hôm trước, tôi bán bánh ram mà nó chưởi quá, chịu không nổi với nó. Có một bà cũng đem bánh đến bán, nó chưởi, bà kia cũng dữ, chữi lại, nhưng hôm sau không thấy bà đó tới bán đây nữa ». Tôi nói gần tết ông có bán thêm món gì không ? Ông nói : « Ngày ba mươi, cô ra đây, tôi có bán bánh chưng bánh tét, tôi có quen một người làm bánh chưng ngon lắm ! » Ông bán bánh thành thật cho biết thêm, bán đây được hơn là bán bên vỉa hè ở siêu thị Maséna, mời khách hết nước miếng mà họ không mua, vì khách chưa từng ăn bánh ông bao giờ nên không dám mua.
Bên vỉa hè trước thương xá quận 13 Paris
Trước khi qua gian hàng bên cạnh, tôi trả tiền hai cái bánh, ông nói : « Hai cái bánh 4 ôrô, lấy cô 3,50 ôrô thôi ». Tôi lấy tiền trong ví đưa ông, ông quơ tay : « Thôi, thôi, thấy cô tử tế, nói chuyện vui vẻ tui biếu cô luôn » Tôi nói :« Nếu ông không lấy tiền, tôi không lấy bánh » Ông nói :« Bánh cô đã cầm lên tay rồi, tôi không nhận đâu !». Thua lý ông, tôi hỏi :« Gọi ông tên gì ?» Ông cười: « Gọi tôi là ông bán bánh da lợn ». Bà cụ bán bánh chuối bên cạnh bỗng lên tiếng : « Ông nói da lợn cho rõ, kẻo cô ấy nghe nhầm đó ! » Bà già trầu thật xí xọn, coi bộ đứng bên lề đường này có nhiều chuyện vui !
Cạnh bên ông bánh da lợn, cách một gan tay là gian hàng bán bánh chuối của hai mẹ con bà cụ (vừa lên tiếng lúc nẫy). Bà cụ gốc người bắc 75 tuổi, con trai bà trên 40 tuổi, hết 99 phần trăm Tây lai .« Gian hàng » hai mẹ con bà có phần « xôm tụ » Một xách lớn, trong đó bán đầy đủ món ăn khô như : cá, tôm, mực, nai…Thấy khách đi ngang qua, anh Tây lai rao hàng bằng tiếng bắc đặc sệt, ai đi ngang qua cũng quay lại nhìn, cười « Khô mực, khô bò ăn ngon hết sẩy, khô nai, mãi mãi vì thịt thơm ngon, hàng mới từ VN sang, mua mau kẻ hết bà con ơi ! » Có vài khách dừng lại, mua gói mực khô với giá 12 euro.
Những chiếc bánh nhỏ gói bằng lá chuối xanh, được sắp ngay ngắn trong chiếc bao đựng bánh (như bao đựng hàng của khách trong siêu thị) tôi hỏi bánh gì vậy bác ? Bà cụ nói bánh tết rồi cười ha ha, tôi cũng cười theo :« Bánh tết gì mà nhỏ xíu, trong đó có gì ? » Bà cụ nói :« Đùa cho vui tí thôi, bánh làm bằng gạo nếp, nhân chuối, đậu trắng, tôi làm đấy, ngon lắm, cô mua hộ! ». Tôi mua hai cái bánh, rồi trò chuyện với bà. Bà cụ có chồng người Pháp, chồng bà trước kia làm toà lãnh sự Pháp ở Lào, bà chỉ có một con trai là người tây lai đang đứng bán bánh với bà. Chồng mất, bà ở với con trai, con bà không có việc làm, nên bà làm bánh để con bà bán, và mua thêm các món hàng khô của mấy ông phi công Việt Nam đem sang, một chị bán cho bà nói thế. Mỗi lần bà mua cả ngàn euro để cho con bà bán từ từ. Hai mẹ con bán mỗi ngày lời được vài chục euro. Bà cụ tâm sự : « Con tôi bán ở đây được hai năm rồi, tôi đứng đây với nó. Ra ngoài này, gặp người nọ, người kia nói chuyện cho vui… ».
Police đến thấy trống trơn
Tôi hỏi mỗi ngày cụ ngồi đây có thấy gì lạ không ? Bà cụ nói ngay: « Giời ơi, có hôm, người giao thịt, đậu xe trước tiệm, tài xế vừa đem thùng thịt vào tiệm, cửa xe không đóng, thế là có hai thằng đen, mở cửa lấy trộm hai thùng thịt rồi xuống dưới paking » Tôi hỏi cụ còn thấy gì nữa không ? « Có, xe giao hàng của Mỹ cũng bị trộm, người ta cứ ỷ y nơi đông người qua lại, trộm không dám lấy nên không chịu khoá cửa xe, tài xế vừa xoay lưng là trộm mở cửa lấy năm, sáu cái hộp bỏ chạy…Ở đây, ban ngày mà còn bị giật bóp, rồi đánh nhau nữa… » Tôi hỏi, sao cụ chỉ bán một thứ bánh chuối thôi. Nghe hỏi, bà cụ nhăn mặt : « Có bán bánh khác rồi, nhưng con nhỏ bán bánh bên cạnh không cho. Nó chuởi. Trời ơi, có tôi đây mà nó nói thằng con trai tôi « Ê, ĐM mầy, đi chỗ khác nghe rõ chưa ! » Bà cụ dứt lời thì có khách hỏi mua bánh chuối, bà vừa quay lưng, ông bán bánh da lợn nói nhỏ vào tai tôi :« Bà này giàu lắm, vừa mua nhà cho con trai bả... ».
Hôm nay có nắng, nhưng cái lạnh vẫn âm ỉ. Bốn tiếng đồng hồ người viết đứng đây mới thấm thía nổi khổ của họ, khi thấy con bé tám tuổi từ đâu chạy đến, hốt hoảng la to : Police, Police…Tất cả người bán đều vội vã ôm các món hàng bỏ chạy. Tôi nhìn cô thiếu nữ bán nữ trang, túm vội tấm vải đựng hàng rồi chạy nhanh, họa sĩ ngồi vẽ chữ cũng ôm gía vẽ co giò chạy. Người thanh niên bán dĩa dvd, cd bị cảnh sát bắt đem lên xe, vì một mình mà anh ta có tới ba « gian hàng ». Con bé là con của chị bán nữ trang, thấy xe Police nên đã « báo động ». Cảnh sát đi rồi các hàng chui hoạt động lại như cũ.
Hàng bánh sinh hoạt trở lại
Tôi bắt đầu thấm lạnh trên lưng vai. Mấy ngón chân tê tê, ngón tay đau đau, không dám đứng thêm lâu sợ bị cảm, dầu trong lòng chưa muốn ra về, còn như đang muốn nghe cô hàng bánh cuốn lanh miệng, kể năm tháng đứng dưới trời lạnh buốt, nhưng « lượm » tiền thấy dễ… Ông ba Tàu, bán bánh da lợn, một thời giàu có ở VN, đánh bại mấy chàng nghệ sĩ để cưới cô đào cải lương. Rồi chuyện bà cụ bán bánh chuối, bò khô, có người con trai tóc vàng, mắt xanh mà tôi đã từng thấy ông trong chiếc áo the đen, đầu khăn đóng đi diễn hành trong những ngày lễ lớn, do hội đoàn người Việt tổ chức. Còn nữa, bà cụ với một rỗ bánh ram 2 đồng 5 cái, khách mua ào ào. Bán bánh chui vỉa hè ai cũng có khách hàng riêng, kể cả người thiếu nữ bán nữ trang giả, thanh niên Tàu bán dvd, cd...
Nơi chốn công cộng không là của riêng ai, nhưng nơi có người tụ tập buôn bán, dù là hàng bán chui chỉ lẻ tẻ rổ bánh ram, bánh chuối, nhưng cũng là « giang sơn » của những người bán hàng chui. Không dễ ai đến rồi muốn bán gì cũng được. Bán chui cũng có cái « oai » của người bán chui tự ý mình làm « chủ xị » để giữ quyền lợi. Những người bán chui lâu năm ở đây, không ai được bán « đụng hàng » Ai đã bán trước món hàng nào là giữ « độc quyền » món đó.
Người viết bài này, mong đến ngày cuối tuần để trở lại những gian hàng của những người bán chui bên vỉa hè Paris thêm một lần nữa, biết đâu, còn nghe được những điều mà có nhiều người chưa ai biết…
|
|